-
- Tổng tiền thanh toán:
Từ chuyện 'Hàng ngon đem xuất khẩu, đồ bẩn bán cho nhau ăn' đến...
Ngày đăng 06/01/2021
Việt Nam có rau hữu cơ sạch, thịt sạch, nhưng toàn mang đi xuất khẩu
Thực tế, hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đi theo hướng nông nghiệp organic đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau củ, quả, tôm cá, gạo, trà, dầu dừa…
Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa.
Nguyên nhân là bởi, giá thành các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường khá cao so với sản phẩm thông thường cùng loại, rất kén người mua nên vẫn chưa được người tiêu dùng trong nước biết nhiều.
Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện còn khiêm tốn, chỉ mới đạt khoảng 23.000ha, chiếm 0,2% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Đó là chưa kể, hiện nay nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Việc chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay phải phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức nước ngoài như Control Union, IMO, JAS…
Còn trong nước tràn lan thực phẩm bẩn
"Tại sao chúng ta bán cho người nước ngoài thực phẩm an toàn để họ ăn mà Việt Nam tràn lan thực phẩm bẩn?”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) - Lương Văn Tự đặt dấu hỏi lớn tại hội thảo giữa tháng 7 bàn về chuỗi giá trị nông nghiệp.
Cũng tại hội thảo này, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 Cục này đã tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi.
Cụ thể: Rau có 4,2% vi phạm; Thuốc bảo vệ thực vật 3,98%, thịt 10,93%; Hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng 1,3%; Thủy sản nuôi (1,61%) trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41%, tăng so với cuối năm 2015 (1,14%).
Còn theo dẫn chứng của Hội Nông dân, trong năm 2015, đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau; có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong.
Hằng năm nhập khẩu hơn 100.000 tấn hóa chất thuốc BVTV với hơn 5.000 loại, ngành chức năng khó kiểm soát; việc bán khống chứng nhận nông sản VietGAP...;
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - Hồ Quang Lợi cho biết, chỉ cần gõ từ khoá "thực phẩm bẩn" ngay lập tức nhận được 4 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,24 giây trên Google. Điều này cho thấy sự thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn tràn lan và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
"Thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khoẻ, người Việt có chiều cao vào nhóm 4 nước thấp nhất thế giới. Với thực trạng thực phẩm bẩn, chất lượng giống nòi của Việt Nam đang bị đe doạ", ông Lợi nói.
Tốc độ tăng ung thư ở Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới
15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, gồm: Thực phẩm bẩn: 35%, Hút thuốc lá: 30%, Di truyền: 10%, Nguyên nhân khác: 15%.
GS.TS Nguyễn Bá Đức cho hay, ở Việt Nam, những năm 1990, số lượng người mắc bệnh ung thư rất thấp, khoảng 70.000 người/năm nhưng đến giai đoạn 2020-2015, con số này mỗi năm đã tăng gấp đôi, lên 150.000 người mắc ung thư.
Dự kiến, đến năm 2020, sẽ có khoảng 200.000 người Việt mắc ung thư mới mỗi năm. Cộng với số người đã mắc bệnh ung thư đang điều trị và số người đã khỏi bệnh ung thư rồi thì tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.
"Thực tế, nếu chúng ta nói Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới cũng không hẳn đúng mà Việt Nam có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới thì đúng hơn", GS Bá nói.
Người Việt không thể ăn bẩn mãi được!
Chất lượng cuộc sống ngày một tăng, lẽ ra con người phải có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Nhưng thực tế thì sao? Tỷ lệ người mắc ung thư, trong đó có nguyên nhân từ ăn uống, ngày một gia tăng.
Người Việt Nam đang dành nhiều thời gian, tiền của hơn cho việc chữa bệnh. Thời gian khỏe mạnh của nhiều người bị giảm đi nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Tôi rất bức xúc chuyện này. Vừa rồi tôi xuống họp với Hà Nội, ra chợ kiểm tra, dân không biết thực phẩm nào bẩn, loại nào sạch. Dân muốn là người tiêu dùng thông thái cũng khó…”.
Theo ông Vũ Đức Đam, để thực sự tạo chuyển biến về cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm , đã đến lực phải làm thật, nói nhiều rồi. Người Việt không thể ăn bẩn mãi được.
"Người dân không thể là người tiêu dùng thông thái, đơn thương độc mã trong cuộc chiến sinh tồn chống lại thực phẩm bẩn mà rất cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn. Họ phải giúp người dân phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm mất an toàn", Phó Thủ tướng Đam nói.